Hiểu rõ lý do đằng sau hành vi nghịch ngợm của trẻ
Trước khi thực hiện bất cứ biện pháp can thiệp nào, điều quan trọng phải tìm hiểu kỹ lý do tại sao con có hành động khác biệt như vậy. Rất nhiều trẻ nghịch ngợm, hiếu động chỉ là vì không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc, gần gũi hoặc cảm thấy mình bị đánh giá thấp. Do vậy, bạn nên chú ý cách con phản ứng với mọi tình huống để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ, từ đó đưa ra các biện pháp uốn nắn phù hợp.
Kiểm tra xem trẻ có đang bị bắt nạt
Rất nhiều trẻ nghịch ngợm, hành xử không đúng là do trẻ bị bắt nạt, xa lánh khi ở trường. Trong trường hợp này, cha mẹ nên tìm hiểu về những người bạn xung quanh trẻ và hỏi thêm thông tin từ thầy cô để sớm có hướng can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
Theo dõi những nội dung trẻ đang xem
Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều bởi những chương trình ti vi, hay các video mà chúng xem hàng ngày. Do vậy, bạn nên theo dõi hoặc thậm chí là hạn chế với những chương trình có nội dung tiêu cực để tránh ảnh hưởng đến hành vi của trẻ.
Hạn chế trẻ chơi các trò chơi điện tử
Trò chơi điện tử có thể tác động đến tâm lý trẻ theo nhiều hướng khác nhau, đặc biệt những trò chơi bạo lực có thể khiến trẻ trở nên hiếu động, nghịch ngợm hơn. Do vậy, hãy chắc chắn trẻ chơi những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, đồng thời nên hạn định thời gian chơi từ 30 phút – 1 tiếng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ.
Kiên quyết nói KHÔNG với những đòi hỏi vô lý với trẻ
Đừng chấp nhận với mọi đòi hỏi của trẻ, kể cả khi chúng tức giận, khóc lóc, mè nheo. Hãy kiên quyết nói KHÔNG và đưa ra những giới hạn riêng cho trẻ. Chẳng hạn như trẻ đòi mua đồ chơi khi đi siêu thị, bạn có thể nhẹ nhàng nói: “Hôm nay mẹ không thể mua đồ chơi cho con được, nếu con ngoan ngoãn và đạt điểm 10 môn Toán, mẹ sẽ mua cho con”
Cho trẻ được quyền “tự quyết”
Thay vì suốt ngày yêu cầu, ra lệnh mọi điều trẻ phải làm, bạn hãy để trẻ được quyết định một số công việc nhưng trong giới hạn của sự lựa chọn. Ví dụ, bạn có thể gợi ý: Con thích mặc bộ đồ màu xanh hay màu đỏ? Con thích uống sữa hay nước cam?
Đưa ra những hậu quả cho hành vi nghịch ngợm thái quá
Với mọi hành vi nghịch ngợm quá mức của trẻ, bạn nên đưa ra những hậu quả thật cụ thể, đồng thời áp dụng ngay để trẻ tự sửa chữa và dần thay đổi tốt hơn. Chẳng hạn như nếu con bạn cứ quậy phá, leo trèo, không chịu ngồi yên một chỗ, bạn có thể nói “con cứ nghịch như thế này, mẹ sẽ không cho con xem chương trình ti vi yêu thích nữa”
Tạo lập những thói quen tốt cho trẻ
Hãy thiết lập thời gian biểu cho mọi công việc hằng ngày của trẻ, thật chi tiết, cụ thể từ thời gian thức giấc, đi học, xem ti vi, đi ngủ… Điều này sẽ giúp trẻ tạo được những thói quen tốt và rèn luyện khả năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc.
Cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc của chính mình
Đừng mất bình tĩnh và la hét, cáu gắt với trẻ, vì điều này có thể khiến chúng ngừng nghịch ngợm trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng về sau trẻ sẽ bắt chước cách hành xử của bạn và thể hiện tương tự trong mọi tình huống. Đặc biệt, dù tâm trạng có tồi tệ đến mức nào bạn cũng tuyệt đối không được trút giận lên trẻ.
Trở thành bạn của trẻ
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy trở thành những người bạn để trẻ tâm sự, trò chuyện, từ đó có thể hiểu rõ tâm lý, tính cách và những khó khăn trẻ gặp phải, đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp con xử lý với mọi tình huống trong cuộc sống.
Nguồn: St
Thông tin liên hệ:
- Hotline: 024 6276 8531
- Facebook: https://www.facebook.com/japansoroban
- Email: japansoroban@gmail.com
- Website: https://japansoroban.com/
- Địa chỉ: Khu Đô Thị Nam La Khê, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội.