Lòng vị tha của bé không tự nhiên có. Nó chỉ được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển khi có sự dạy dỗ của cha mẹ.
Hiểu thêm về lòng vị tha
Người có lòng vị tha là người biết nghĩ đến người khác, nghĩ cho người khác, biết tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Người vị tha luôn nhìn người khác bằng cái nhìn của lòng nhân từ, tình thương yêu. Họ luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và cảm nhận tình cảm vui buồn của những con người đó.
Cũng như nhiều phẩm chất tốt đẹp khác, lòng vị tha không tự nhiên có. Nó chỉ được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển khi có sự dạy dỗ. Cần một quá trình để trẻ làm quen, hành xử mới thấm nhuần những giá trị mà lòng vị tha mang lại.
Lòng vị tha là một trong những phẩm chất tốt đẹp không thể thiếu, là một phần của cuộc sống. Bởi cuộc đời ai cũng có lầm lỗi. Sự tha thứ cho những lỗi lầm của người khác và ngay cả chính mình sẽ giúp con người sống tốt đẹp hơn.
Dạy trẻ về lòng vị tha
Đừng nghĩ rằng bé nhà bạn còn quá nhỏ để học về lòng vị tha. Hoặc bạn thấy quá khó khăn và lúng túng không biết nói thế nào để con hiểu. Hãy bắt đầu từ những câu chuyện kể, những tình huống thực tế hàng ngày, rất đơn giản mà hữu hiệu đấy các mẹ ạ.
Khi con còn nhỏ, luôn mê mẩn với những câu chuyện cổ tích. Mẹ hãy kể cho bé nghe những câu chuyện nói về lòng vị tha, nhân hậu như truyện Sọ dừa, truyện Thạch Sanh… để bé có được cảm nhận ban đầu và cơ bản về lòng vị tha.
Người lớn phải là tấm gương để trẻ noi theo. Nếu bố mẹ có lỗi với các bé, chúng ta hãy biết xin lỗi. Khi con sai, phải thật nghiêm khắc nhưng không nên mắng mỏ hay đánh bé. Giải thích nhẹ nhàng để bé nhận biết được mình sai và cần có lời xin lỗi cùng lời hứa không tái phạm. Như vậy, chúng ta dạy trẻ biết xin lỗi, nhận lỗi và sẽ dễ dàng tha lỗi cho người khác.
Tạo những tình huống trong cuộc sống cho con tập chấp nhận sự khác biệt của người khác, không phải ai, cái gì, lúc nào cũng theo ý mình. Để bé hiểu rằng con người vốn không ai hoàn thiện. Ai cũng có những khiếm khuyết, ai cũng có những sai lầm. Như vậy bé sẽ dễ dàng “chấp nhận”, tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân và người khác khi mắc phải.
Giúp trẻ hiểu vị tha khác với sự nhu nhược rụt đầu trốn tránh, nhường nhịn bạn yếu, bạn khuyết tật, nhưng không thỏa hiệp với những thói xấu của bạn. Chẳng hạn, bạn đưa ra một tình huống: “Có một bạn không có búp bê đẹp, không có một cái hộp bút thật xinh và thế là bạn ấy hay lấy đồ của những bạn chơi cùng làm của mình. Như thế là sai hay đúng?”. Bạn hãy xem bé có phân định rạch ròi đâu là sự cảm thông để tha thứ, đâu là điều cần phải đấu tranh để loại trừ. Dĩ nhiên, định hướng của bạn đối với bé sẽ rất cần thiết.
Trẻ thơ được ví như một tờ giấy trắng mà bạn có thể viết lên đó nhiều điều. Bé sẽ có một tâm hồn trong sáng, cao đẹp hay chứa chất những ghanh ghét, thù hận… điều đó phần lớn phụ thuộc vào cách bạn giáo dục nhân cách sống cho con ngay từ tấm bé. Trong vô vàn điều bạn uốn nắn con thì dạy con về lòng vị tha là món quà giá trị giúp con có được cuộc sống hạnh phúc lâu bền.