Nhiều người vẫn bảo “tôi không ép con học, tôi chỉ mong con mình nó thích học thôi”. Bản thân sự kỳ vọng con thích học đã vô tình tạo cho trẻ sự khủng hoảng mà phụ huynh thật ra không hề biết.
Đứa trẻ nào cũng thích chơi hơn thích học. Còn cha mẹ nào cũng muốn con “thích học”. Bản thân mong muốn này thực sự là một áp lực đặt lên vai trẻ. Nhiều trường hợp trẻ mới vào lớp 1 đã bị khủng hoảng ngay từ giai đoạn trước khi nhập học. Vì cha mẹ kỳ vọng vào con quá nhiều khiến đứa trẻ chưa đi học đã có cảm giác sắp phải leo qua 1 ngọn núi quá cao.
Nhiều cha mẹ có lối tư duy khác, có vẻ là không ép nhưng thật ra vẫn là “hơi ép ép”, rằng ban đầu cứ bắt trẻ vào nếp đã, tạo thành thói quen rồi trẻ sẽ tự giác học, lúc đó tự dưng cảm thấy “thích học” ngay thôi. Tuy nhiên cách làm này sẽ tạo ra những đứa trẻ sợ cha mẹ, chịu học nhưng là học theo kiểu đối phó.
Những đứa trẻ cá tính mạnh hơn sẽ phản ứng tự vệ, chống trả lại cha mẹ một cách ngấm ngầm. Chỉ một số ít những đứa trẻ “dập thành khuôn” được nhưng cha mẹ sẽ phải hứng chịu một đứa trẻ không có lập trường, chính kiến.
Vấn đề chúng ta cần nhìn nhận ở đây là làm thế nào để trẻ thích học, coi việc học như việc của bản thân mình, chứ ko phải học vì sợ mẹ buồn bố đánh. Nhiều người còn dạy con theo cách “bố mẹ đi làm kiếm tiền vất vả để con đi học”, không không, đây lại càng là suy nghĩ sai lầm!
Có 3 nguyên tắc cần lưu ý khi cha mẹ muốn trẻ thích học: (1) Làm cho con hiểu rõ mục đích của học tập là gì; (2) Con có trách nhiệm với việc học của mình chứ không phải cha mẹ; (3) Cha mẹ luôn kiên nhẫn và tạo động lực cho con chứ không tạo áp lực cho con.
Ngoài ra, để môi trường ở nhà và ở lớp không tạo ra quá nhiều khác biệt cho trẻ trong quá trình học tập, bố mẹ hãy ghi nhớ những điều sau:
Nói với con: “chúng ta là 1 team”: Đừng để những lo lắng trong bạn khiến con bạn căng thẳng theo. Đừng đẩy con sang phía đối diện bạn. Đừng đặt ra bất cứ một “trả giá” nào. Khi bố mẹ và con cái cùng một team, chúng ta sẽ có sức mạnh đồng thuận, sự đồng lòng, sẵn sàng của con.
Hãy truyền cảm hứng, đừng kiểm soát: Bạn sẽ là người truyền cảm hứng cho con chứ không phải ai khác. Truyền cảm hứng rất khác với việc kiểm soát. “Nào chúng ta cùng học” sẽ khác với “Con học bài chưa? Sao giờ này còn chưa làm bài?”. Kiểm soát sẽ thành lực kéo – Truyền cảm hứng sẽ là lực đẩy.
Trao cho con trách nhiệm: Hãy dạy con về trách nhiệm. Trách nhiệm với những gì con đã làm – không làm hay cả những gì con chưa muốn làm. Hãy gắn nó với những hình phạt một cách nghiêm khắc. Hãy phạt con vì sự thiếu trách nhiệm chứ không phải vì không nghe lời cha mẹ. Bởi cuộc đời của trẻ ở phía trước sẽ thất bại hoàn toàn nếu trẻ vô trách nhiệm ngay từ bé.
Nguồn: http://vneconomy.vn/dung-ep-tre-hoc-hay-de-tre-thich-hoc-20190830085003248.htm
Thông tin liên hệ:
- Hotline: 024 6276 8531
- Facebook: https://www.facebook.com/japansoroban
- Email: japansoroban@gmail.com
- Website: https://japansoroban.com/
- Địa chỉ: Khu Đô Thị Nam La Khê, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội.